-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Cẩm nang cuộc sống
TẢN MẠN VỀ ĐẶC SẢN SÀI GÒN
18 Tháng Ba 2014
Có người nói, ở Sài Gòn có rất nhiều đặc sản các vùng miền. Điều này dễ hiểu, vì đa phần người sống ở Sài Gòn là từ nơi khác đến.
Nhưng người ta thắc mắc, vậy Sài Gòn có đặc sản gì?
Với tôi, Sài Gòn có cái gì lạ, mà nơi tôi ở không có, hay nhiều nơi khác không có, chính là đặc sản Sài Gòn.
Ngày còn nhỏ, mới học chừng lớp 2, tôi được vào Sài Gòn thăm ngoại. Lần đầu tiên xa nhà hơn 350 cây số, đến một vùng đất phương Nam nổi tiếng là văn minh hiện đại, bao nhiêu là cái lạ lẫm.
Từ Phan Rang vô Sài Gòn, những chuyến xe lúc đó đưa tôi tới nơi chỉ khoảng 2 – 3 giờ sáng. Thành phố đang ngủ, yên lặng và vắng vẻ. Nhưng chỉ chừng hơn 3 giờ sáng, thành phố thức dậy bằng những tiếng xe lam, xe ba gác chở hàng với những âm thanh phành phạch trên đường phố.
Những tiếng rao của hàng rong mỏng manh, khoan nhặt, xa gần mà mới nghe qua, tôi không hiểu họ rao bán thứ gì. Tiếng rao lạ, khó hiểu ấy cũng làm nên một thứ đặc trưng ở Sài Gòn.
Tại bến xe, Bánh mì Sài Gòn được coi là đặc sản. Bà con các tỉnh, ai lên xe đò về nhà cũng làm một bịch tổ chảng về làm quà. Bánh mì Sài Gòn to kềnh, bằng cả 1 cánh tay. Trẻ con tỉnh lẻ nhìn là thích ngay.
Tôi được bà dì chở đi ăn Bột chiên ở đường Võ Văn Tần. Với tôi, đó là món đặc sản đầu tiên ở Sài Gòn mà tôi thích. Thích tới nỗi, tôi nói với đám bạn lúc ngồi bàn tán trước kỳ thi đại học, rằng, nếu tao mà rớt, thì tao sẽ vô Sài Gòn học làm cái món bột chiên, đem về bán ở quê mình.
Ăn xong thì dì tôi mua cho một bịch sơ ri của bà bán hàng rong. Lần đầu tiên được ăn trái sơ ri chín đỏ, thơm ngon lạ lùng, tôi nhớ mãi trong tiềm thức. Hương vị sơ ri thời đó, ngọt và thơm rất đặc biệt, không phải là hương vị sơ ri như bây giờ, được lai ghép đến mất hương vị gốc. Lúc nhỏ, tôi cứ tưởng sơ ri chỉ có ở Sài Gòn, nên mấy dì tôi mà về quê, tôi dặn nhớ đem sơ ri về cho con. Ai ai ngờ người ta đem từ miền Tây lên.
Ở Sài Gòn còn có một đặc sản đó là “tiếng Sài Gòn”. Ai ở Sài Gòn về quê, tụi con nít như tôi cứ xúm lại hỏi thăm đủ thứ để nghe tiếng Sài Gòn, rồi bắt chước nói theo. Người Sài Gòn hay “phát sinh” ra những từ lóng mới, nghe ngồ ngộ. Nào là ve kêu, bá cháy bồ chét… Người Sài Gòn cũng thích gọi người khác là “cưng”, nghe dễ thương gì đâu!
(còn tiếp)
Bình luận