Cẩm nang cuộc sống

NINH THUẬN TRONG MẮT MỘT NGƯỜI NHẬT

NINH THUẬN TRONG MẮT MỘT NGƯỜI NHẬT

Có lẽ 99% người Nhật không biết Việt Nam có một nơi gọi là “Ninh Thuận”.
Số rất ít còn lại biết đến địa danh này do tiếng vang của Dự án cấp chính phủ Nhật – Việt về “Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận”, còn với từng cá nhân người Nhật, Ninh Thuận gần như không gây được ấn tượng gì về con người, ẩm thực, văn hoá, danh thắng. Cũng có thể do người Nhật quan niệm rằng những địa điểm dành để xây Nhà máy điện hạt nhân là những nơi… không có gì cả.

Tuy nhiên, khi đến thăm Ninh Thuận thực tế, tôi ngỡ ngàng nhận ra Ninh Thuận quả là “ngọc trong đá” – một vùng đất nhỏ bé, bình dị nhưng vô cùng xinh đẹp & bản sắc nhờ “những viên ngọc quý“ sáng lấp lánh rải rác khắp vùng.

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của những người bạn Việt Nam là Chú Tư Lực (nhiếp ảnh gia lão thành của địa phương) và ông Lê Gia Phước (Tổng giám đốc công ty King Star – đơn vị tổ chức sự kiện Lễ Hội Nho vang quốc tế cho Ninh Thuận), tôi đã trải nghiệm những ngày tuyệt vời không thể quên trên những cung đường khám phá vùng biển Nam Trung Bộ này.

Đặc điểm có một không hai của Ninh Thuân so với toàn lãnh thổ Việt Nam chính là điều kiện khí hậu – khí hậu bán sa mạc. Bởi thế Ninh Thuận sở hữu những rặng xương rồng tự nhiên trải dài ngút ngàn tầm mắt – quang cảnh mà người ta thường nghĩ chỉ có thể chiêm ngưỡng được ở Mexico đang hiển hiện tại đây. Có lẽ Ninh Thuận cũng là nơi duy nhất Đông Nam Á có diện tích xương rồng mọc tự nhiên rộng lớn đến vậy.

Không chỉ rừng xương rồng bao la mang đậm dấu ấn sa mạc, Ninh Thuận còn sở hữu địa hình hết sức độc đáo – những Cồn Cát thiên nhiên tuyệt đẹp! Như Đồi cát Nam Cương đổi màu 3 lần trong ngày, cồn cát Tuấn Tú với những đợt sóng cát gợn mênh mông như biển, cồn cát Phước Dinh chứa đựng bao biến đổi tự nhiên kỳ thú bằng việc thay đổi diện tích mà mắt thường cũng nhận ra được khi nó bị tác động của sức gió, khiến bãi cát tiến sâu vào đất liền hay lấn xa ra biển…

Vẫn là hoang mạc xương rồng hay cồn cát ấy, Ninh Thuận tiếp tục mang tới cho tôi bất ngờ mới – gia súc được chăn thả ở đây không phải trâu, bò, dê… mà là cừu. Ninh Thuận càng trở nên thú vị khi biết được nguyên nhân tại sao đây là nơi duy nhất tại Việt Nam có nghề nuôi cừu.


Không còn là lời lý giải thông thường, mà mang trong đó cả câu chuyện về lịch sử, văn hoá, đời sống của một vùng đất, của một dân tộc nếu ta biết nghề chăn nuôi cừu Ninh Thuận phát tích từ khi Pháp đặt chân đến Việt Nam, trong Quân đoàn viễn chinh ấy có rất nhiều lính gốc Ấn, họ theo nhiều tôn giáo với từng giáo luật cấm ăn thịt heo, bò, dê khác nhau… thì thịt cừu là giải pháp ổn thoả nhất cho vấn đề thực phẩm của đối tượng lính viễn chinh này. Vì thế mà cả người lẫn cừu được đưa đến đồn trú tại Ninh Thuận, nơi có khí hậu bán sa mạc phù hợp với việc nuôi cừu lấy thịt và cũng phù hợp với cơ địa những người lính gốc Ấn. Một lý do nữa chỉ có Ninh Thuận đáp ứng được nhu cầu của lính Pháp gốc Ấn đó là tôn giáo – bởi đây là vùng đất đặc biệt nhất Việt Nam với dân tộc Chăm chiếm 80% dân số (thời Pháp thuộc) với đủ 4 tôn giáo chính của người Ấn là Ấn giáo, Hồi giáo, Bà la môn & cả đạo Bà Ni (kết hợp giữa Hồi giáo và Bà la môn).

Rời tầm mắt khỏi những rặng xương rồng, những bầy cừu mơn mởn, những cồn cát đẹp tuyệt vời…, men theo con đường ven biển là những đồng muối mặn mòi bạt ngàn. Những đụn muối trắng xoá dọc suốt Ninh Thuận gợi cho tôi nhớ về quê hương Nhật Bản cần cù của mình với nghề làm muối thủ công thời chưa bị cấm vào những năm 1970. (Từ năm 1973, nghề làm muối thủ công của Nhật mai một do chính sách tập trung diêm dân tham gia sản xuất trong nhà máy).

Nếu nghề làm muối là đặc trưng của Ninh Thuận thì nghề trồng Nho và sản xuất các sản phẩm từ Nho được xem là hoạt động nông nghiệp chủ lực của địa phương này. Ngạc nhiên không khi cây nho vốn chỉ ưa thổ nhưỡng mát mẻ phương Tây lại sinh sôi phát triển mạnh mẽ ở xứ gió như Phan(g) & nắng như Rang này của phương Đông. Sức sống cây nho Ninh Thuận là một lời khắng định nghề trồng Nho không còn là “độc quyền” của các nước ôn đới như Nhật Bản của chúng tôi nữa.
Những đặc sản Ninh Thuận liên quan đến Nho cũng ấn tượng không kém, nho khô, kẹo nho, mứt nho, siro nho, mật nho… Và đặc biệt Vang Nho Ninh Thuận đã trở thành thương hiệu có thế mạnh đem lại khả năng phát triển kinh tế vùng đáng kể.

Sau những ngạc nhiên Ninh Thuận đem đến cho một người Nhật về sự khác biệt, thì lại là cảm giác rất gần gũi, rất thân thuộc bởi cũng như Nhật Bản, Ninh Thuận có những bãi biển trong xanh với màu nước ngọc bích rất đẹp.

Tôi chỉ tin tưởng vào độ sạch sẽ của những vùng biển Nhật Bản, nên thực lòng ban đầu tôi có chút hoài nghi về độ sạch của vịnh Vĩnh Hy & vịnh Ninh Chữ…, cho đến khi tôi được ăn Rong Nho – một loại Rong biển có xuất xứ từ Nhật và chỉ sống được ở vùng nước sạch Okinawa – lại được nuôi trồng trong chính những rạng rong của biển Ninh Thuận. Khi tôi nhìn thấy loại rong có hình dạng đặc biệt này được thực khách Việt Nam thưởng thức một cách quen thuộc và ngon lành tại những nhà hàng địa phương, tôi không ngừng liên tưởng rằng người Nhật & Ninh Thuận trước khi có mối liên hệ với nhau qua Nhà máy điện hạt nhân, thì đã kết nối với nhau bằng ẩm thực.

Nói đến ẩm thực Ninh Thuận, tôi nghĩ lần này là bất ngờ ngược lại với người Việt Nam nếu các bạn biết món ăn Việt Nam được người Nhật xếp hạng cao nhất trong ẩm thực Việt sẽ là món “Bún cá dầm Phan Rang”.

Tôi đã ăn nhiều món bún cá của các vùng khác nhau từ Bắc tới Nam trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng đặc sản bún cá Phan Rang chế biến từ cá Ngừ bò làm những người Nhật chúng tôi ấn tượng và xúc động nhất. Với người Nhật, vị ngọt của cá Ngừ bò là linh hồn làm nên hương vị ẩm thực truyền thống Nhật. Súp đậu nành lên men (súp miso), các món mì Udon hay Soba đều có nước dùng chắt lọc từ cá Ngừ bò . Vậy nên khi người Nhật húp 1 miếng nước lèo của Bún Cá tại Ninh Thuận (Phan Rang), họ như được cảm nhận nguyên vẹn hương vị quê nhà Phù Tang xa xôi trong đó.

Tiếp theo là những món ngon được làm từ đặc sản thịt cừu của địa phương, và các món ăn chế biến từ Dông cũng rất lạ miệng. Món nào cũng đều có khả năng hấp dẫn du khách nhờ nguyên liệu độc đáo tuyệt vời của mình.

Tôi may mắn có sự trợ giúp của 2 người đồng hành đã nhắc đến ở trên mà được cơ hội chạm vào “những viên ngọc quý” Ninh Thuận.

Nhiếp ảnh gia Tư Lực – một người con Ninh Thuận chánh hiệu, tự hào nói với tôi: “Bất cứ anh em phương xa nào tới, tui cũng thành tình nguyện viên hướng dẫn họ đi khắp nơi họ muốn, không công! Chỉ vì Ninh Thuận của tui đẹp lắm, tui muốn ai đến đây cũng công nhận điều đó”. Tôi cũng cảm kích trước tình cảm ông Tổng giám đốc Lê Gia Phước (công ty King Star) đối với Ninh Thuận rất đỗi nồng nàn khi ông nhất định rủ tôi đi Ninh Thuận chỉ để “khoe” với tôi rằng Ninh Thuận “của ông” tuyệt vời thế nào… mặc dù ông không phải người Ninh Thuận.

Từ nay, Ninh Thuận chắc chắn sẽ là một điểm đến “định kỳ” của tôi và gia đình!

Đáng tiếc là trên thực tế, du khách Á, Âu và kể cả người Việt trong nước cũng gần như không quan tâm lắm đến điểm du lịch Ninh Thuận. Đáng tiếc hơn nữa khi lượng du khách đông đảo ở Nha Trang chỉ lướt qua Ninh Thuận vì muốn di chuyển đến Phan Thiết…

Quá ít người nước ngoài biết được sự hấp dẫn của Ninh Thuận, hay vì bản thân người Việt nói chung và người Ninh Thuận nói riêng cũng không biết rằng Ninh Thuận đang có vẻ đẹp tiềm ẩn đầy hấp dẫn trên…

Giữa tháng 7 năm 2014, Ninh Thuận đã trở mình bằng “Lễ hội Nho – Vang quốc tế”, tôi mong rằng thông qua sự kiện này sẽ là cơ hội cho Ninh Thuận khởi sắc bằng những thế mạnh du lịch, văn hoá, kinh tế của mình, cũng là cơ hội cho cả mỗi du khách dù là người nước ngoài hay người Việt Nam được đến để nghe, để thấy, để cảm nhận sự tuyệt vời của vùng đất này, và để thương mến nơi đây – như tôi.

TAKASAGO TOSHIAKI

Viết bình luận của bạn:

Bình luận

popup

Số lượng:

Tổng tiền: