Mãn nhãn với đêm khai mạc Lễ hội sông nước TPHCM lần 2
Tối 31-5, tại Khu Nhà Rồng Khánh Hội - Cảng Sài Gòn (quận 4) đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại”, mở màn cho Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ 2 năm 2024, diễn ra từ ngày 31-5 đến 9-6, do UBND TPHCM chỉ đạo tổ chức.
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM và các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương và TPHCM...
Ghi nhận từ cuối giờ chiều cùng ngày, ngay khi cơn mưa vừa ngớt, đông đảo người dân, du khách quốc tế đã có mặt tại sân khấu chính cũng như một số khu vực có đặt màn hình LED (Công viên Bờ sông Thủ Đức và Phố đi bộ Nguyễn Huệ) để xem biểu diễn. Một số tuyến đường dẫn về Khu Nhà Rồng Khánh Hội - Cảng Sài Gòn đông nghẹt xe, dòng người nhích từng chút một.
Chị Nguyễn Phương Quyên, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi đã bỏ lỡ chương trình năm ngoái, nên năm nay quyết định cho bọn trẻ nghỉ hè sớm, gia đình cùng đi du lịch ở Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Hai bên sông Sài Gòn về đêm quá đẹp và đặc biệt thơ mộng dưới những màn pháo hoa đa sắc. Sự đầu tư của TPHCM cho vở đại nhạc kịch nói riêng, lễ hội nói chung rất xứng đáng”.
Bà Lê Hải Yến, Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dòng sông kể chuyện mùa 2” - Chuyến tàu huyền thoại chia sẻ, đây là điểm nhấn của Lễ hội sông nước. Vở đại nhạc kịch ngoài trời được tổ chức trên sông Sài Gòn, trở thành một phim trường “bom tấn” rộng lớn, tái hiện các câu chuyện lịch sử thông qua ngôn ngữ nghệ thuật hoàn toàn mới, tạo sự bất ngờ cho người xem.
Những câu chuyện diễn ra trên sông Sài Gòn được thể hiện rõ nét qua các chương: Hạ thủy - Cập bến - Ra khơi - Dậy sóng - Vươn xa. Con tàu Amiral Latouche-Tréville với chuyến tàu gắn liền vận mệnh lịch sử dân tộc Việt Nam, chuyến tàu đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, được tái hiện sống động; bên cạnh đó là những hải thuyền đầu tiên của người Việt được hạ thủy; những trận đánh vang dội trên sông của chiến sĩ đặc công Rừng Sác; tàu Sông Hương - con tàu đầu tiên chở 541 cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết trở về tiếp quản miền Nam sau ngày giải phóng, với những cuộc trùng phùng, đoàn tụ nghẹn ngào nước mắt sau hơn 20 năm xa cách; các chuyến tàu đưa thương hiệu Việt Nam đi khắp nơi trên thế giới…
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, tiếp nối kết quả bước đầu của Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất, lễ hội lần thứ 2 được tổ chức nhằm tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của những dòng sông di sản. Chương trình lan tỏa niềm tự hào và tình yêu Thành phố thông qua chuỗi hoạt động đa dạng, đặc sắc kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại diễn ra đồng loạt tại nhiều địa điểm trên địa bàn TPHCM từ 31-5 đến 9-6. Mục tiêu hướng đến xây dựng lễ hội thành sự kiện thường niên dài ngày, quy mô lớn, mang dấu ấn riêng của TPHCM.
Đến với lễ hội, người dân và du khách có thể trải nghiệm các chương trình du lịch đường thủy, các chương trình kích cầu du lịch và mua sắm hấp dẫn; hòa mình vào không khí sôi nổi của giải vô địch bơi vượt sông, giải vô địch ván chèo đứng và các hoạt động thể thao dưới nước tại Bến Bạch Đằng (quận 1); Bến Ngôi Sao Việt (quận 7); trải nghiệm Tuần lễ trái cây “Trên bến dưới thuyền” tại Bến Bình Đông (quận 8); không gian “Tái hiện chợ nổi miền Tây” tại Bến nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Lễ hội trái cây Nam Bộ tại Khu Du lịch Suối Tiên…
Song song đó là các hoạt động diễu hành trên sông, hội thi ẩm thực, trang trí ánh sáng nghệ thuật, không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian... Lễ hội năm nay còn có sự tham gia và hưởng ứng của các tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL như sự cộng hưởng của một dàn nhạc để bản hòa âm của những dòng sông Nam bộ thêm mạnh mẽ và vang xa.
Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, lịch sử hình thành của Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TPHCM hơn 300 năm qua có dấu ấn đậm nét của những dòng sông. Thế hệ cha anh đã theo sông mà đến, dựng làng mở ấp, xây lũy kiến thành, lập phủ, tạo nên Gia Định, mở ra Nhà Bè, Thủ Đức, Thanh Đa…
Những làng mạc, phố chợ, bến cảng sầm uất không ngừng hình thành dọc theo triền sông, dòng kênh để có một thành phố phương Nam sống động, phồn vinh, tấp nập giao thương. Hệ thống sông và kênh rạch của Sài Gòn – Chợ Lớn - Gia Định – TPHCM còn là nơi lưu giữ những mạch nguồn văn hoá, tình cảm gia đình, quê hương; là chứng nhân của chuyến tàu huyền thoại đã đi vào trái tim mỗi con người Việt Nam…
Đó là câu chuyện lịch sử diễn ra vào ngày 5-6-1911, cách đây 113 năm, “Từ Thành phố này Người đã ra đi” trên con tàu Amiral Latouche-Tréville rời bến Cảng Nhà Rồng với ý chí sắt son quyết tìm ra con đường giải phóng dân tộc, khởi đầu cuộc hành trình bôn ba trong 3 thập kỷ.
“Chương trình là sự tôn vinh và tri ân sâu sắc dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại nhân kỉ niệm 113 năm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước. Chương trình cũng là thông điệp thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM tiếp nối truyền thống yêu nước, tinh thần kiên trung, dám nghĩ, dám làm, không ngừng đổi mới, sáng tạo để xây dựng TPHCM anh hùng, giàu nội lực, bản lĩnh, sẵn sàng khẳng định vị thế trong thời đại mới”, đồng chí Phan Văn Mãi cho hay.
Nguồn: sggp.org.vn
Bình luận