-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
CẨM NANG DU LỊCH
ĐẶC SẢN LÀM QUÀ VÀ THƯỞNG THỨC Ở HỘI AN
1.BÁNH ĐẬU XANH HỘI AN
Du khách khi đến với Hội An thường truyền tai nhau rằng, nếu đến Hội An mà chưa được thưởng thức chén trà chanh xả và nhâm nhi chút bánh đậu xanh thì thật là uổng phí. Bánh đậu xanh là một món ăn quen thuộc của người Việt Nam ở khắp ba miền, nhưng mỗi vùng đất sẽ đều mang những dấu ấn và hương vị riêng, và bánh đậu xanh Hội An cũng vậy. Cái thú khác biệt của món bánh nơi đây nằm ở chỗ, bánh khi được nén thành hình sẽ không được hấp chín như thông thường mà phải nướng lên. Thật tuyệt vời làm sao khi giữa không gian bình yên của phố cổ, bên chén trà thanh mát, du khách được thưởng thức vị ngọt thơm của bánh đậu xanh nướng, chút đậm đà mà khó quên. Đối với người dân Quảng Nam hay nhiều khách du lịch, bánh đậu xanh Hội An thường đứng đầu danh sách những món ăn đặc sản Hội An nên mua làm quà cho người đi xa hay mang cho những du khách muốn mang chút hương vị Hội An về cho gia đình và bạn bè. Với hình thức bao bì trang trí đẹp mắt, gọn nhẹ cùng hương vị thơm ngon, đây đích thị là món quà bạn không thể thiếu trong balo hành lý về nhà.
2.BÁNH ÍT LÁ GAI HỘI AN
Ngoài ra, với các du khách muốn mua món ngon Hội An về làm quà thì không thể bỏ qua món bánh ít lá gai đặc sắc của phố Hội. Bột gạo làm bánh được ngâm cùng với lá gai nên có màu đen đặc trưng, cùng với nhân đậu xanh giã nhuyễn tạo nên vị ngọt thơm cho bánh.
3.BÁNH SU-SÊ HỘI AN
Su sê thường có màu vàng (hoặc trắng) trong veo của bột lọc, lẫn trong đó là những sợi dừa bào nhỏ, khi ăn có cảm giác vừa dẻo vừa giòn. Người ta hay lẫn lộn giữa bánh ít lá gai và bánh su sê, bởi vì hình dáng hao hao giống nhau. Nếu tinh ý, bạn sẽ dễ dàng nhận ra ở cách gói truyền thống, bánh ít lá gai chỉ có một đỉnh, còn bánh su sê có hai đỉnh khi đặt bánh nằm ngang, có nơi người làm bánh cột thêm một sợi dây vào bánh su sê để tạo sự khác biệt.
4.TƯƠNG ỚT TRIỀU PHÁT HỘI AN
Tương ớt xào ở đây rất đặc biệt, nó khác hoàn toàn với món sa tế xào ở ngoài Bắc và 100% không phải là thứ tương ớt màu nhợt nhợt thông dụng kia. Nó hấp dẫn người ta từ màu sắc đỏ thắm, cay nồng của ớt, thơm thơm của hạt mè (hạt vừng) lẫn trong đó. Tương ớt xào không những để ăn cùng với các loại mỳ mà còn có thể cho vào cháo trắng hay trộn riêng với cơm.
5.BÁNH THUẪN HỘI AN
Bánh thuẫn là một món ăn không còn quá xa lạ với người dân miền Trung kể từ Huế trở vào Quảng Nam, chính vì vậy khi đến Hội An bạn sẽ không khó bắt gặp những hàng bánh thuẫn quen thuộc. Những chiếc bánh màu vàng ươm giống như một bông hoa mai được làm từ trứng gà bột và một số gia vị khác, đã luôn là món ăn đặc sản Hội An được các gia đình làm trong những ngày đặc biệt như cúng giỗ và các dịp tết truyền thống của dân tộc. Các công đoạn để làm ra một chiếc bánh tổ thơm ngon cũng khá kỳ công và chỉ những người dân nơi đây mới có thể làm ra vị ngon đặc trưng của bánh. Vì thế, món ăn này đã dần trở thành một món quà địa phương không thể thiếu trong cuộc sống của người dân và là món quà đặc biệt dành cho du khách trở về từ Hội An.
6.BÁNH MÌ HỘI AN
Bánh mì Hội An không chỉ nổi tiếng với các du khách trong nước mà còn vang danh ra cả quốc tế. Rất nhiều các chuyên gia về ẩm thực quốc tế đều trầm trồ khen ngợi khi được nếm thử món bánh mì đặc sản Hội An này. Bánh mì Hội An đầy đặn nhân ăn kèm với các loại rau sống, tạo nên một hương vị hấp dẫn vô vàn du khách. Tại những cửa hàng bánh mì Hội An nổi tiếng luôn có rất đông khách xếp hàng đến mua bánh. Đôi khi, dù đêm đã muộn nhưng các du khách vẫn kiên nhẫn xếp hàng để chờ được nếm thử món bánh mì ngon trứ danh này.
7.BÁNH BAO- BÁNH VẠC HỘI AN
Đến đây, du khách còn được chứng kiến quy trình làm bánh công phu và khéo léo của các đầu bếp nổi tiếng.
Bánh bao, bánh vạc đều được làm từ loại gạo thật trắng, dẻo thơm rồi xay mịn, lọc nhiều lần qua nước; sau đó bột được nặn thành vỏ bánh.
Còn nhân bánh bao được làm từ nấm mèo, thịt heo, hành lá thái mỏng rồi xào cùng gia vị bí truyền; nhân bánh vạc làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với tỏi, tiêu, sả, hành và cũng xào với gia vị. Bánh bao, bánh vạc được chấm với nước mắm chua ngọt cay và có giá từ 50.000 – 100.000 đồng/đĩa
8.MÌ QUẢNG-ĐẶC SẢN HỘI AN NGON
Có lẽ đây là một món ăn đặc sản Hội An mà bất cứ du khách nào cũng đều không thể không nếm thử trong mỗi chuyến du lịch Hội An. Không giống như bún hay phở, sợi mì Quảng hơi dẹp, dầy hơn và có màu vàng tươi như nghệ rất đặc trưng. Nếu như với một bát phở truyền thống, người ta hay dùng xương hầm ninh nhừ để làm nước dùng, thì với mì Quảng, nước dùng thường được chế từ tôm, thịt lợn hoặc có khi là dùng cả thịt gà ninh nhừ để lấy vị ngọt. Không chỉ có các loại xương, thịt, trong nước dùng còn có cả cà chua và dứa để tạo ra mùi thơm và đặc biệt là vị chua chua ngọt ngọt rất thanh mà chỉ có ở tô mì nổi tiếng đất miền Trung này. Đặc biệt, ăn kèm với tô mì Quảng là các loại rau sống, nhưng phải là rau sống của vùng đất Trà Quế thì mới lột tả được hết cái thần, cái vị của tô mì Quảng đúng điệu. Không giống với các loại rau khi ăn kèm những tô bún, phở khác, loại rau ăn kèm mì Quảng còn cần phải có cả vị đắng, chát đặc trưng, nhưng khi kết hợp với mì, nó lại không hề khó ăn, mà ngược lại, vẫn hấp dẫn thực khách vô cùng.
9.CAO LẦU HỘI AN- ĐẶC SẢN HỘI AN NỔI TIẾNG
Nói đến các món ăn ở phố cổ Hội An, không ai có thể bỏ qua món cao lầu. Trong những ngày Tết se lạnh, đi bộ vòng quanh phố cổ, sẽ không khó để chúng mình thấy những quán ăn cổ kính, những cô tiếp viên mặc áo dài màu trầm và cái tên “cao lầu” trong menu đứng cửa. Cao lầu từ lâu đã được nhắc đến như món ăn tiêu biểu góp phần làm nên cái hồn ẩm thực còn đọng lại nét xưa cũ của phố Hội.
10.THIỆP NỔI HỘI AN
Thiệp 3D hay còn gọi là thiệp pop-up hoặc thiệp nổi. Thật ra thì chúng ta cũng chẳng còn xa lạ gì với thiệp 3D nhưng nhắc đến thiệp 3D ở Hội An thì phải nhắc đến sự đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ.
Để làm nên một tấm thiệp, thoạt nhìn đơn giản nhưng ngoài bước làm bằng máy móc thì còn cả những công đoạn thủ công tỉ mỉ mới tạo ra một tấm thiệp bắt mắt.
11.TRANH ẢNH NGHỆ THUẬT HỘI AN
“Góc nhỏ “ là sự mô phỏng ý tưởng để tạo nên một không gian hội họa ngoài trời ở môt góc đường phố cổ Hội An, nơi tập trung các du khách trong nước và quốc tế; nhằm tạo ra một không gian nghệ thuật đường phố đặc sắc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và nét văn hóa của Thành phố Hội An.
12.ĐÈN LỒNG HỘI AN
Ai đã từng một lần đến phố cổ Hội An ắt hẳn sẽ không quên được khung cảnh bình yên, hoài cổ nơi đây. Dạo bước trên những con phố cổ, chìm đắm trong hàng ngàn thứ màu sắc đẹp đẽ, từ mái ngói rêu phong đến gánh hàng rong, khăn màu, vòng tay, túi lụa,không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh những chiếc đèn lồng được giăng kín khắp ngả đường, từ các di tích văn hóa lịch sử đến các nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí, ở mỗi nhà dân đến các quán cóc ven đường.
13.TƯỢNG ĐỒNG PHƯỚC KIỀU
Nằm dọc tuyến đường từ phố cổ Hội An đến Thánh địa Mỹ Sơn, làng đúc đồng Phước Kiều được du khách biết đến nhờ các cửa hàng bán sản phẩm làng nghề tọa lạc ở hai bên đường, bán đủ loại các lại cồng, chiêng, tượng, đỉnh, chuông, nhạc cụ, đồ phong thủy, đồ thờ cúng… bằng đồng. Nơi đây trở thành một đại điểm tham quan du lịch nổi tiếng hấp dẫn du khách. Đến với làng nghề này, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những sản phẩm được chế tác tinh xảo hay mua sắm các vật dụng, quà lưu niệm, mà còn được tận mắt chứng kiến các công đoạn sản xuất, đúc đồng truyền thống của làng nghề.
14.GỐM THANH HÀ
Nằm bên dòng sông Thu Bồn Thanh bình, làng gốm Thanh Hà Hội An với hơn 500 năm hình thành và phát triển đã làm nên tên tuổi một vùng đất. Hội An đẹp và thu hút du khách không chỉ bởi những khu phố cổ trầm mặc mà còn bởi những làng nghề truyền thống. Với bàn tay tài hoa và tấm lòng nhiệt thành của những nghệ nhân tâm huyết nơi đây đang ngày đêm miệt mài thổi hồn cho đất.
15. LỤA TƠ TẰM HỘI AN
Giữa không gian di sản văn hóa Hội An, làng lụa tơ tằm truyền thống 400 năm tuổi được tái hiện ví như ‘bảo tàng sống’ hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan miễn phí.
16. BÁNH BÈO HỘI AN
Bánh bèo là một món ăn đặc sản Hội An luôn thu hút thực khách vào mỗi buổi xế chiều. Nước bột gạo sánh mịn được cho vào từng đĩa nhỏ rồi đặt vào nồi hấp. Đĩa bánh hấp xong có màu trắng tinh, mềm mịn, lại có một xoáy tròn ở giữa. Nhân bánh được làm từ tôm, thịt xắt nhỏ, ướp cùng với các loại gia vị vừa ăn rồi xào chín, thêm chút nước bột gạo để tạo độ sánh, sền sệt cho nhân thịt. Đặc biệt, tại Hội An, người ta không dùng đũa hay dĩa để ăn bánh, mà dùng một thanh tre vót nhỏ thành hình lưỡi dao, được gọi là “dao tre” để ăn bánh. Lối ăn độc đáo này cũng thu hút không ít sự hiếu kì của khách hàng, và tạo nên sự khác biệt cho món bánh bèo Hội An.
17.CƠM GÀ HỘI AN
Không chỉ riêng tại Hội An, cơm gà Hội An còn là một món ăn được ưa chuộng tại rất nhiều các thành phố khác trên khắp mảnh đất hình chữ S. Ngay tại Hà Nội cũng có rất nhiều các cửa hàng cơm gà đặc sản Hội An, nhưng có lẽ chưa có một cơ sở nào có thể giữ được nguyên vẹn hương vị của món ăn này như chính tại quê hương của nó.
18.BÁNH ĐẬP-HẾN XÀO
Đây là một loại bánh đã rất quen thuộc với người dân vùng Quảng Nam và được coi như là một loại đặc sản Hội An độc đáo. Bánh đập hay còn gọi là bánh chập, thực chất là một miếng bánh ướt được đặt giữa hai miếng bánh tráng nướng mỏng. Khi ăn, du khách không chỉ cảm nhận được vị giòn tan của miếng bánh tráng nước, mà còn cảm nhận được cái vị ngọt bùi của miếng bánh ướt. Thông thường, bánh đập sẽ được ăn cùng với hến xào để tăng thêm vị béo ngậy cuốn hút.
Bình luận