-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
CẨM NANG DU LỊCH
Câu chuyện về giống nho Ninh Thuận mới
Từ mò mẫm thủ công đến áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ, anh nông dân Ba Mọi (tên thật là Nguyễn Văn Mọi, Ninh Phước, Ninh Thuận) đã dần tìm cách lai tạo, nuôi trồng thành công nhiều giống nho có sản lượng và chất lượng cao, ngang ngửa với sản phẩm nhập từ Thái Lan, Australia, Châu Âu, Mỹ.
Không chỉ thành công với hành trình đi “sưu tập”, tìm đủ các loại màu cho nho để trồng trên đất Ninh Thuận, mà điều đáng ghi nhận là “đại nông dân” Ba Mọi còn tìm được con đường êm thuận cho chùm nho Phan Rang (Ninh Thuận) đến với những thị trường khó tính trong và ngoài nước.
Quả ngọt trên vùng biển mặn
Điều làm tôi ngỡ ngàng không phải là những đồng nho trĩu quả có được trên vùng đất khô cằn, cháy hạn quanh năm khi bước chân xuống Ninh Thuận, mà là gặp những thửa ruộng nho cho quả to mọng, với các màu đen, đỏ, tím thẫm, xanh lơ… mà trước đây chỉ được thấy ở các siêu thị, là hàng nhập ngoại.
Tôi theo chân Sa Ri – cô “hướng dẫn viên” bản địa, người Chăm – men bờ biển Ninh Chữ, ngược về nông hộ nhà Sa Ri ở huyện Ninh Hải. Cô bé nhảy chân sáo trên những luống nho đang kỳ ra quả, miệng líu lo giới thiệu về quy trình từ khi trồng, chăm bón đến thu hoạch… Nhưng em lại mù tịt về “lý lịch” của các giống nho Blackqueen, Red star đang có trên ruộng nhà của mình. Sa Ri chống chế: “Bọn em chỉ biết giá trị của nho kể từ… sau khi mẹ bán. Muốn tìm hiểu kỹ về các giống nho ngoại nhập trên đất Ninh Thuận, anh nên tìm về Ninh Phước, hỏi ông Ba Mọi…”.
Dẫu vậy, Sa Ri vẫn biết rằng, từ khi giống nho cho quả to mọng, được chăm trồng theo quy trình kỹ thuật của chương trình nho an toàn, tuân thủ các hướng dẫn cụ thể về sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế tối đa việc sử dụng hoá chất do ông Ba Mọi “đặt hàng”, thì đời sống của gia đình em và những nông hộ Ninh Hải đã khá hẳn lên. Sa Ri kể, bố mẹ em tảo hôn khi bà mới 14 tuổi. Lấy nhau chỉ vỏn vẹn 7 năm với 4 mặt con thì bố bỏ nhà, theo vợ nhỏ. Một tay mẹ nhọc nhằn nuôi con, ruộng nho cũng chua loét. Bà bỏ nho, sang trồng cây bo bo.
Nhưng rồi, khi ông Ba Mọi thành công việc tạo ra giống nho mới cho năng suất và hiệu quả cao hơn, đặc biệt là quy trình kỹ thuật đảm bảo an toàn vệ sinh nên đầu ra ổn định, người dân ở Ninh Hải, Ninh Phước trở thành những nông hộ vệ tinh cho cơ sở sản xuất và chế biến các sản phẩm nho Ba Mọi. Mẹ em đã quay lại với ruộng nho, trồng nho kiêm bán thuốc (lá nam cổ truyền), nuôi 4 chị em ăn học nên người. Sa Ri giờ đã là sinh viên năm thứ hai của khoa kế toán của một trường dạy nghề ở Ninh Thuận và nho đã ngọt lại trên ruộng vườn nhà em. Dẫu vậy, tôi vẫn nghe như có vị mặn chát qua câu chuyện gia đình em. Cứu tinh cho nông dân không chỉ loay hoay tìm cây, con gì, mà còn là thị trường ổn định, nông sản uy tín.
“Đại nông dân” Ba Mọi
Đường đến nông trại ông Ba Mọi dễ tìm không chỉ vì nó có tên trên tour tham quan Tháp Chăm -Poklongarai – làng gốm Bầu Trúc, mà sự nổi tiếng của ông đến mức hỏi bất kỳ ai ở Ninh Thuận cũng biết. Đứng từ cầu Mống trên sông Dinh, có thể thấy nông trại ông trải dài, xanh mướt với điệp trùng nho. Với dáng người cao to, da đen, lông mày rậm, lại đầu trần, chân đất…, rõ ông Ba Mọi là khuôn mẫu nông dân thứ thiệt. Nhưng lão nông ngồi trước mặt tôi lại đang dán mắt trên màn hình vi tính, điều hành trực tuyến 2 cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm từ nho tại TP.Phan Rang và TPHCM.
Ông nhanh nhẹn, tinh tế như một hướng dẫn viên du lịch, chuyên nghiệp và thân thiện khi dẫn khách tham quan ruộng nho, xưởng chế biến rượu… “Xin lỗi, bác là người Chăm?”. Ông không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi, mà đi giải thích thương hiệu “Nho Ba Mọi” vốn đã từng khốn khổ vì từ “Mọi” – bị cho là miệt thị. “Ba là tên vợ, Mọi là tên tôi. Khi xây dựng thương hiệu, tôi nghĩ có thành danh hay không chủ yếu là uy tín, chất lượng và giá thành nên chỉ đơn giản ghép tên hai vợ chồng. Nó giản dị như bưởi Năm Roi vậy.
Khi Quốc hội thông qua việc không được dùng một số từ có thể gây hiểu nhầm là miệt thị dân tộc, thương hiệu Ba Mọi tưởng chừng sẽ khó khăn, nhưng người Chăm quê tôi hiểu rõ, không hề ý kiến gì nên nó vẫn đứng vững. Cha tôi hy sinh khi tôi còn nằm trong bụng mẹ. Bị ám ảnh chiến tranh, khủng hoảng khi chồng chết, sợ mất con, mẹ tôi nghe lời người xưa, tìm tên xấu xí để đặt là Nguyễn Văn Mọi. Thực ra, tôi người Kinh”.
Cây nho đã đưa ông Ba Mọi từ một thường nông thành “Nông dân sản xuất giỏi” các cấp từ huyện đến trung ương, rồi “Nhà làm vườn sáng tạo” cấp toàn quốc, “Đại nông dân”, “Sao thần nông”… Đặc biệt là các sản phẩm nho Ba Mọi, rượu vang Phan Rang, mứt, xirô nho… đã là nguồn hàng uy tín tại hệ thống các siêu thị lớn trên cả nước hiện nay. Nhưng với ông thì chỉ khiêm tốn: “Nhiều đời gắn với cây nho chua, quả nhỏ, giá bán bấp bênh nên tôi luôn trăn trở, tìm tòi.
Rất may là có sự hỗ trợ tối đa từ Sở KHCN, Sở NNPTNT của tỉnh nên tôi có điều kiện thực nghiệm, tạo được nhiều giống nho cho chất lượng tốt hơn. Xây dựng thương hiệu không chỉ để khẳng định mình, mà còn tạo dựng vị trí vững vàng khi ra thị trường. Nhất là thị trường tràn ngập nông sản nhập khẩu, giá rẻ như hiện nay”. Cuối năm 2001, ông Ba Mọi đã thành công khi trồng khảo nghiệm 6 sào nho NH01-48 và Blackqueen. Kết quả cho năng suất 1,5 tấn/sào với chất lượng tốt hơn nho truyền thống ở Ninh Thuận. Hiện, ông đã phát triển được 1,6ha nho NH 01-48 và tiếp tục trồng thêm 4 sào nho giống Red Star. Và giờ vẫn đang tiếp tục trồng thử nghiệm giống nho NH01-152 trên vùng đất Ninh Thuận.
Cuối năm 2006, lần đầu tiên nho Red Star với thương hiệu “Ba Mọi” có mặt tại các siêu thị lớn ở TP HCM bên cạnh những thương hiệu nổi tiếng như nho Mỹ, Thái Lan, Australia… Thương hiệu nho Ba Mọi đã đạt huy chương vàng về thực phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng, được cấp chứng chỉ Best Food và năm 2007 được tôn vinh “Thương hiệu Việt”.
Đặc biệt, nho Ba Mọi cũng được công nhận đạt chuẩn Viet GAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt). Với những thành quả đó, ông Ba Mọi được chuyển giao 3 công nghệ quan trọng là “sản xuất nho an toàn”, “sản xuất vang nho quy mô gia đình” và “sản xuất các loại nước ép nho, mứt nho”. Và hàng trăm nông hộ, với hơn 1.100ha nho ở Ninh Thuận trở thành vệ tinh, cung cấp sản phẩm đạt chuẩn cho các cơ sở sản xuất, chế biến nho Ba Mọi.
“Con đường chung” cho nông sản
Quả nho Ninh Thuận, khi mang thương hiệu Ba Mọi đã được ưa chuộng và tiêu thụ mạnh trong hệ thống siêu thị, nhưng thực tế đấy chỉ là những chùm nho đạt chuẩn cả về hình thức, chất lượng, được tuyển chọn. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều ruộng nho kém chất lượng hơn, sản phẩm không được tuyển, người nông dân bán tháo, bán đổ. Chính vì vậy, ông Ba Mọi đã đầu tư sản xuất rượu vang nho. Và vang nho Ba Mọi đã được cấp bản quyền thương hiệu “Vang nho Phan Rang” với các loại vang trắng, đỏ, rượu ligueur và nhiều sản phẩm từ trái nho như: Xirô, mật, mứt nho.
Muốn thương hiệu nho Ba Mọi, cũng như nho Ninh Thuận có mặt trên thị trường quốc tế, nên cũng đang xây dựng quy trình sản xuất trái nho hiện đại theo tiêu chuẩn EurepGap của Thụy Sĩ. Với “dây chuyền” khép kín như vậy, đầu ra cho quả nho Ninh Thuận không còn là nỗi lo lớn của các hộ nông dân. Nói như Chủ tịch Hội Nông dân Ninh Thuận – ông Nguyễn Văn Ngọt: “Dùng từ tự hào đối với đại nông dân như Ba Mọi cũng còn quá khiêm tốn khi nói về ông. Không có cơ sở khuyến nông nào mang lại hiệu quả kinh tế nông thôn tốt bằng những thực nghiệm cụ thể trên đồng ruộng như cách làm của ông Ba Mọi”.
Câu chuyện của chúng tôi dang dở khi có đoàn khách du lịch đến tham quan. Lão nông Ba Mọi lại “thoát thân”, thành kỹ sư nông nghiệp, một hướng dẫn viên thạo nghề, dắt khách đi giới thiệu tỉ mỉ từ ruộng nho đến xưởng vang. Dưới tán mát của khu vườn hoa trái sum sê, tôi thấy du khách thích thú khi vừa hóng chuyện, vừa được thưởng thức vang, xirô, những chùm nho, trái táo ngọt lịm và hoàn toàn miễn phí. Ông Mọi cho biết, không chỉ kết hợp việc trồng trọt, sản xuất nho theo chuẩn an toàn, mà vài năm gần đây, nông trại Ba Mọi đã trở thành khu du lịch nhà vườn sinh thái, là điểm đến cố định trên tour du lịch tại Ninh Thuận.
Ngoài ra, sinh viên các trường đại học nông lâm Huế, Cần Thơ, TPHCM… hằng năm đều về đây thực tập. Vườn nho của ông cũng là cơ sở cho nhiều người làm thực nghiệm, hoàn tất đề tài nghiên cứu thạc sĩ, tiến sĩ nông nghiệp. Những hoạt động “phi nông nghiệp” này không chỉ là nguồn động viên, mà đã tạo ra môi trường liên kết, trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu thành tựu của khoa học. Kết hợp với du lịch, là kênh để thương hiệu nho Ba Mọi có sức lan toả mạnh hơn đến với cộng đồng. Ông bảo, cách làm này ông học được các nhà vườn ở miền Tây và sẽ là con đường chung đi đến thành công cho nhiều loại nông sản khác.
Bình luận